Quy tắc đi xe đạp tại Đức và những điều bạn cần biết
Xe đạp là phương tiện được nhiều bạn học sinh du học nghề Đức lựa chọn khi học tập và sinh sống tại Đức. Tuy nhiên đi xe đạp tại Đức cũng có khá nhiều quy tắc và lưu ý. Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
Không uống rượu bia khi đi xe đạp
Tại Đức, cũng như các phương tiện như ô tô, người đi xe đạp cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt luật giao thông. Bạn sẽ bị phạt khi gây tai nạn hoặc có nồng độ cồn trong máu cao, vượt mức cho phép.
Bạn vi phạm, bạn có thể bị tước bằng lái xe tạm thời. Trong trường hợp bạn đã uống rượu bia, bạn không nên đi xe về.
Lưu ý về khu vực đi xe đạp

Tips đi tàu điện cần biết cho du học sinh
Sử dụng làn đường cho người đi xe đạp
Bạn cần đi trên làn đường dành riêng cho người đi xe đạp. Đây là một quy tắc đi xe đạp tại Đức mà bạn bắt buộc phải tuân thủ. Đôi khi làn đường dành cho người đi xe đạp có thể trên vỉa hè hoặc chung làn đường với người đi bộ. Trong trường hợp này bạn cần lưu ý nhường đường cho người đi bộ.
Không đi trên vỉa hè
Trừ khi có biển báo làn đường cho xe đạp trên vỉa hè, bạn không được phép đi trên vỉa hè. Ngoài ra, trong quá trình tham gia giao thông, bạn luôn phải đi vào bên phải đường.
Không đi xe đạp trong khu vực dành riêng cho người đi bộ
Trừ khi có biển báo cho phép, nếu không bạn không được đi xe vào khu vực người đi bộ. Tại các khu vực trung tâm lớn, thường có các khu vực dành riêng cho người đi bộ rất lớn. Thay vì vòng qua nó, bạn cần xuống xe và dắt xe qua khu vực này cho đến khi thấy biển báo cho phép đi xe.
Không đạp xe trên đường cao tốc nông thôn và Autobahn
Đường cao tốc nông thôn và Autobahn là đường dành riêng cho các phương tiện cơ giới, có thể chạy với tốc độ 60 km/h. Bạn không được phép đi vào khu vực này.
Không đi ngược chiều
Bạn luôn đạp xe theo dòng người tham gia giao thông. Bạn chỉ được phép đi ngược chiều khi có biển báo di chuyển theo hai hướng.
Rẽ đúng khi tham gia giao thông
Sử dụng tín hiệu tay khi rẽ
Một quy tắc đi xe đạp tại Đức bạn cần biết đó là khi rẽ cần đưa ra tín hiệu tay. Bất cứ khi nào bạn muốn rẽ phải hoặc trái, bạn cần đưa ra tín hiệu để chỉ hướng rẽ dự kiến. Bạn cần duỗi thẳng tay và đưa sang phải nếu muốn rẽ phải và đưa sang trái nếu muốn rẽ trái.
Cách rẽ phải
Sau khi đưa ra tín hiệu rẽ phải, nếu con phố bạn đi vào có vạch kẻ đường cho người đi bộ, bạn cần nhường cho người đi bộ đi trước rồi mới tiếp tục đạp xe.
Cách rẽ trái
Rẽ trái trên đường dành cho xe đạp và có vạch kẻ đường
Nếu đường giao thông cho người đi xe đạp mà bạn đang đi có vạch kẻ đường để rẽ trái, hãy đi theo đường chỉ dẫn đó hơi chếch sang phải và dừng lại ở vạch dừng. Nếu có đèn giao thông, bạn cần tuân thủ đèn, chỉ rẽ trái khi đèn xanh. Nếu không có đèn giao thông dành cho người đi xe đạp, bạn cần quan sát luồng phương tiện để rẽ trái.
Rẽ trái trên đường dành cho xe đạp không có vạch kẻ đường
Trong trường hợp này, bạn nên đưa ra tín hiệu rẽ trái từ sớm. Quan sát kỹ các phương tiện giao thông để rẽ trái.
Lưu ý các quy tắc giao thông và tín hiệu
Ưu tiên
Tại Đức, làn đi bên phải từ một ngã tư luôn có quyền ưu tiên. Kể cả khi không có biển báo hoặc tín hiệu dừng, bạn cần dừng lại hoặc giảm tốc độ để các phương tiện đi tới từ bên phải đi trước.
Vượt bên trái
Một quy tắc đi xe đạp tại Đức khác mà bạn cần tuân thủ là bạn bắt buộc phải vượt từ bên trái nếu muốn vượt phương tiện phía trước. Bạn có thể sử dụng chuông xe đạp để thông báo cho những người phía trước.
Được phép sử dụng tai nghe khi đi xe đạp
Việc sử dụng tai nghe khi di chuyển bằng xe đạp là được phép ở Đức. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo âm lượng của tai nghe vừa phải và bạn vẫn nghe được những âm thanh xung quanh.
Đi xe đạp cùng với trẻ em
- Sử dụng vỉa hè đối với trẻ em dưới 8 tuổi
- Sử dụng vỉa hè hoặc đường dành cho người đi xe đạp đối với trẻ từ 8-10 tuổi
- Sử dụng đường dành cho người đi xe đạp đối với trẻ trên 10 tuổi.
Quy tắc đi xe đạp khi chở trẻ em
Trẻ em cần chỗ ngồi đặc biệt khi đi xe đạp. Tại Đức, nếu chở trẻ con trên xe, bạn cần có ghế chuyên dùng cho trẻ em hoặc xe đạp chở hàng với dây an toàn cho trẻ em.
Có cần đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp?
Với xe đạp truyền thống, bạn không cần đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu bạn đi xe đạp chỉ có động cơ hoặc có gắn động cơ có thể di chuyển trên 25 km/h thì bạn bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.
Có cần giấy phép lái xe đạp?
Với xe đạp truyền thống, bạn không cần giấy phép lái xe. Tuy nhiên với xe đạp chỉ có động cơ không có bàn đạp hoặc có gắn động cơ có thể di chuyển trên 25 km/h, động cơ hơn 250 watt thì bạn cần giấy phép xe máy nhỏ (AM).
Trên đây là một số quy tắc đi xe đạp tại Đức đối với xe đạp truyền thống. Hy vọng các thông tin trên hữu ích cho bạn đọc.