Khám phá Tết của người Việt ở Đức diễn ra như thế nào?
Khi đi du học nghề ở Đức, chắc chắn các bạn sẽ có những năm đón Tết xa nhà. Vậy người Việt ở Đức có được nghỉ Tết Nguyên Đán hay không? Có những hoạt động gì nổi bật sẽ diễn ra trong dịp này? Hãy cùng EduGo khám phá cái Tết của người Việt ở Đức trong bài viết dưới đây nhé!
Ở Đức có Tết Nguyên Đán như Việt Nam không?
Đa phần các nước ở Châu Âu trong đó có Đức đều đón năm mới theo lịch dương. Lịch nghỉ Tết của họ sẽ được tính vào ngày 1/1 dương lịch, ngay sau lễ Giáng Sinh. Người Đức không có Tết Nguyên Đán như ở Việt Nam.
Có những năm giao thừa rơi vào những ngày nghỉ cuối tuần. Mọi người sẽ có thời gian để nghỉ ngơi, tụ tập cùng nhau đón mừng năm mới theo phong tục truyền thống. Tuy vậy cũng có những năm Tết Nguyên Đán rơi vào giữa tuần. Cộng đồng người Việt tại Đức vẫn phải tất bật mưu sinh mà không có được kỳ nghỉ lễ trọn vẹn.
Tết của cộng đồng người Việt ở Đức có gì đặc biệt?
Cộng đồng người Việt sinh sống ở Đức khá đông. Gần như thành phố lớn nào cũng sẽ có cộng đồng sinh hoạt riêng. Mỗi năm vào dịp Tết đến xuân về, cộng đồng tại các thành phố đều cùng nhau chuẩn bị những món ăn đặc biệt. Bên cạnh đó, họ còn quây quần ngồi phá cỗ đón giao thừa.
Để không ảnh hưởng tới thời gian học tập và làm việc, một số cộng đồng sẽ tổ chức vào ngày chủ nhật tuần trước khi giao thừa diễn ra. Mỗi người một tay, tất bật chuẩn bị cho mâm cỗ ngày Tết. Người đi mua nguyên liệu, người gói nem làm chả, người thau lá rong. Người khéo tay sẽ được chọn để gói những chiếc bánh chưng vuông vức.
Tại các thành phố lớn, có thể tìm thấy bánh chưng bán sẵn ở các siêu thị trong dịp Tết Nguyên Đán. Các vùng tỉnh lẻ thường không có, lá rong cũng khó kiếm hoặc sẽ rất đắt. Mọi người thường thay bằng các nguyên liệu bao bọc khác như giấy bạc. Tuy không phải màu xanh truyền thống nhưng vẫn mang hương vị quê nhà. Điều này gợi lại trong lòng những người con xa quê dòng cảm xúc khó tả.
Tết của các gia đình Việt đang sinh sống tại Đức
Ngoài hoạt động chính của cộng đồng, các gia đình sinh sống tại Đức cũng thường làm một mâm cơm cúng gia tiên. Mâm cơm này cũng đầy đủ những món ăn truyền thống trong ngày tết như bánh chưng, dưa hành, nem rán, giò chả, canh măng,…
Ở Đức cũng có những khu chợ tết cho người Việt như kho Đồng Xuân, kho Bến Thành ở thành phố Leipzig. Đặc biệt, ở thủ đô Berlin có trung tâm Thương mại Đồng Xuân, trung tâm Thương mại Thái Bình Dương. Tại đây có đa dạng các mặt hàng của người Việt, đặc biệt là những món ăn truyền thống trong dịp Tết. Nếu không có thời gian tự chuẩn bị, mọi người có thể đến đây mua sắm. Hay đơn giản chỉ đến để được hòa mình vào trong không khí nhộn nhịp của những ngày cận Tết.
Múi giờ của Đức lệch 6 tiếng so với giờ Việt Nam. Vì vậy, đúng 18h ngày cuối năm (lịch âm) tại Đức, tương đương với 00h00 tại Việt Nam, các gia đình Việt sẽ dâng mâm cỗ cúng giao thừa, thắp hương lên bàn thờ gia tiên và thành kính cúng bái. Sau đó gọi điện về quê nhà chúc mừng năm mới, chúc cho một năm thuận buồm xuôi gió, sức khỏe, bình an.
˃˃˃ Tham khảo bài viết dưới đây:
Văn hóa con người Đức, tính cách người Đức tốt không?
Trên đây là một số điểm nổi bật trong cái Tết của người Việt ở Đức. Ai đi xa rồi mới hiểu, đâu đó là nỗi nhớ nhà len lỏi trong lòng. Những bữa tiệc nho nhỏ, những lát bánh chưng, những giây phút ngồi lại bên nhau cùng chung tiếng nói, cùng chung ngôn ngữ ấy sẽ phần nào lấp đầy nỗi trống vắng của những người con xa xứ.
Bích An